Người giáo viên nên học cách kìm chế

Tôi là giáo viên, cũng có lúc rất ức chế trước thái độ của một số học sinh, nhưng tôi phải rất kìm chế, cùng lắm là véo tai các em thôi. (Hoàng Văn Thể)

 

Anh Thể còn viết: Theo tôi, thầy giáo cần nghiêm khắc với học sinh là đúng. Nhưng việc thầy đánh học sinh đến mức hộc máu mũi là không chấp nhận được, phải kiểm điểm nghiêm khắc.

 

Tôi là giáo viên, cũng có lúc rất ức chế trước thái độ của một số học sinh, nhưng tôi phải rất kìm chế, cùng lắm là véo tai các em thôi. Tôi nghĩ một người bình thường sẽ làm như vậy. Cần tìm hiểu xem tại sao thầy lại nóng đến mức đánh học sinh một cách bạo lực như vậy? Lý do đánh có chính đáng không? 

 

Bên cạnh ý kiến của anh Thể về vụ việc “Thầy đánh trò chảy máu mũi chỉ phải… rút kinh nghiệm” còn rất nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi sau khi đọc tin này.

 

Chúng tôi xin đăng tải một số ý kiến trái chiều của bạn đọc:

 

Bạn đọc: Tra My 

 

Là người thường xuyên theo dõi báo, tôi thấy tình trạng đạo đức của giáo viên, bác sỹ thời gian gần đây xuống cấp quá nhiều. Các biện pháp sử lý mang tính đối phó, không mang tính răn đe, giáo dục. Với tư cách là một người dân, một người có con nhỏ tôi không biết phải làm thế nào để có thể bảo vệ bản thân và gia đình mình.

 

Mong rằng các cơ quan pháp luật có biện pháp bảo vệ người dân. 

 

Bạn đọc: Trần Việt Phương 

 

Bạt tai học sinh là bệnh nghề nghiệp của Giáo viên? Chẳng nhẽ giáo viên suốt ngày bạt tai học sinh đến mức trở thành bệnh nghề nghiệp hay sao? Ông hiệu trưởng phải hiểu rõ thế nào là bệnh nghề nghiệp và thế nào là thói du côn chứ? Nếu luật pháp có nghiêm mình, xin hãy xem xét đến hình thức kỷ luật, cảnh cáo ông Thương vì có suy nghĩ không đúng về ngành Sư phạm, xử lý buộc thôi việc hoặc thuyên chuyẩn công tác đối với ông Luân. Có như vậy mới có thể làm gương cho những người khác và khiến nhân dân tin tưởng hơn vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. 

 

Bạn đọc: Vũ Tuấn Mạnh Linh 

 

Đánh học trò lại được coi là bệnh nghề nghiệp thì xã hội này có biết bao nhiêu bệnh nghề nghiệp. Mấy ông anh Cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ cũng do là bệnh nghề nghiệp, bác sĩ đòi tiền bồi dưỡng của bệnh nhân cũng là bệnh nghề nghiệp, mấy sếp nhận hối lộ và đi hối lộ sếp trên cũng là bệnh nghề nghiệp, mấy em bán cà phê, bán bia trở thành gái bán hoa cũng là bệnh nghề nghiệp, mấy chị kế toán rút tiền két bạc cũng là bệnh nghề nghiệp, mấy anh xây dựng rút ruột công trình cũng là bệnh nghề nghiệp vv... và vv... 

 

Bạn đọc: Nguyễn Nam 

 

Lại một vụ rùm beng về trường hợp thầy đánh trò. Sự việc thầy đánh thì đúng rồi nhưng lý do nêu ra quả thật là buồn cười. Họa chăng chỉ có điên mới đánh học trò vì dập cầu dao điện. Đánh học sinh trong mọi trường hợp là không được, nhưng cũng phải nhìn lại tư cách của học sinh này. Nếu mọi hôm học sinh này ngoan ngoãn thì chắc thầy cũng không lỡ tay mạnh như vậy. Mọi hôm chắc cũng phải nghịch ngợm thế nào thì mới gây sự ức chế cho thầy. Học sinh bây giờ lạ thật. Động một tí là kiện cáo um hết cả lên. Cứ như vậy thì còn ai dám đứng lên bục giảng mà dạy dỗ nữa.

 

Bạn đọc: Trần Xuân Dũng 

 

Tôi không phải là giáo viên, nhưng tôi đã có 12 năm học cấp 3, 5 năm học đại học. Vì thế tôi phần nào hiểu được 1 số hành động không phải của giáo viên dành cho học trò. Nhưng tôi cũng mong mọi người có cái nhìn thông cảm,"2 chiều" hơn đối với những việc này, bởi nghề nhà giáo là nghề phải chịu khá nhiều áp lực, phải thường xuyên tiếp xúc với thế hệ có độ tuổi đang thể hiện sự nông nổi, dại khờ... và đặc biệt tại thời điểm hiện nay, cũng có rất nhiều học sinh không được sự giáo dục chăm sóc đầy đủ từ phía gia đình mà có những yếu kém về tư cách đạo đức.