Trăn trở về tính hiệu quả của dự án Vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Ngã Tư Sở

PV

(Dân trí) - Trước đề xuất của cơ quan quản lý, nhiều độc giả không đồng tình và cho rằng chỉ là giải pháp chắp vá, gây ra thực trạng "vá chỗ này, bục chỗ khác", đẩy ùn tắc từ nơi này sang nơi khác.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới đây đã đề xuất thành phố ưu tiên chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, mở rộng tuyến Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao này và phát huy hiệu quả đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Dự án dự kiến có quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km, tổng mức đầu tư khoảng 8.500 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc trên tuyến Vành đai 2, đặc biệt khu vực Ngã Tư Sở, luôn là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý và người dân quan tâm. Nhiều sáng kiến, giải pháp được áp dụng, song đều chưa thể giải quyết thực trạng trên.

Trăn trở về tính hiệu quả của dự án Vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Ngã Tư Sở - 1

Nếu được triển khai, dự án mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường màu cam) sẽ giúp hoàn thiện đồng bộ toàn tuyến vành đai 2 (Đồ họa: Hà Mỹ).

Có thực sự hiệu quả hay chỉ là giải pháp đẩy ùn tắc từ chỗ này sang chỗ khác?

Trước đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nhiều độc giả đặt nghi vấn về tính hiệu quả của dự án, đặc biệt trong bối cảnh nhiều sáng kiến cải tạo, nâng cấp hay phân làn lại tuyến đường này đã thất bại. Họ cho rằng cần nhìn vào gốc rễ của vấn đề và áp dụng các biện pháp có thể mang tính triệt để, thay vì "chắp vá" như hiện nay.

Bình luận dưới bài viết Làm vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy có khả thi? , độc giả Tùng Lê nêu quan điểm: "Nên bỏ đầu tư hạ tầng giao thông vùng trung tâm, thay vào đó mở rộng đầu tư vùng ven để giãn dân. Hà Nội đang bị "tù" bởi quy hoạch cũ lỗi thời của vùng trung tâm có diện tích rất bé (mỗi chiều khoảng 10 km kéo theo đường thẳng), nên mở rộng quy hoạch mỗi chiều lên đến 50 - 100 km để tương xứng với quy mô dân số hơn chục triệu người.

Hiện chỉ cần làm đường kết nối từ trung tâm ra ngoại thành, các tuyến đường mới khác nên làm thẳng, không chạy vòng quanh như các đường vành đai 1, 2, 3 nữa. Vành đai 4, 5 chưa làm có thể sửa quy hoạch lại thành các tuyến đường thẳng, kết nối như bàn cờ mỗi chiều tầm 100 km là có thể kết nối Hà Nội với các tỉnh khác. Kết hợp với các chính sách ưu đãi thuế theo vùng (đánh thuế cao doanh nghiệp ở nội thành hoặc giảm thuế vùng ngoại thành) thì có thể kéo giãn mật độ dân số, giảm tải tắc đường cho nội đô".

Cũng cho rằng nên áp dụng các giải pháp khác mang tính vĩ mô hơn, anh Quang Dang viết: "Cần giải quyết theo hướng khắc phục cái gốc của vấn đề. Làm chắp vá kiểu này thì hậu quả sẽ là vá chỗ này, bục chỗ khác mà thôi. Tại sao nút giao tiêu chuẩn 3.000 phương tiện/giờ lại gánh trên thực tế 8.000 phương tiện/giờ? Có cải tạo, nâng lưu lượng thiết kế gấp 2 lần thì vẫn quá tải thôi.

Cần giải quyết theo hướng phân luồng giao thông bằng cách mở thêm tuyến mới để giảm lưu lượng giao thông qua nút này thì mới khắc phục được. Đổ một đống tiền theo kiểu chắp vá này, hiệu quả không cao mà sẽ chỉ đẩy ùn tắc sang chỗ khác thôi".

"Liệu có giải quyết được thực trạng thoát chỗ này nhưng lại gây ùn tắc nơi khác? Thiết nghĩ, nên mở rộng phố Khương Thượng ra đường Tây Sơn, hoàn thành dự án đường Tam Khương hiện còn đang dang dở. Đó sẽ là giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn", anh Thanh Tran hiến kế.

"Theo nguyên lý, chỉ xây cầu và đường trong thành phố nhằm giảm tắc đường là điều không ổn vì mật độ dân cư ngày càng lớn. Theo tôi, nên chuyển bộ máy cơ quan hành chính và trường học ra ngoại thành Hà Nội sẽ giúp giảm được nhiều, còn hơn cứ xây dựng trên quỹ đất chật hẹp", ý kiến từ độc giả Minh Minh.

Còn với chủ tài khoản TNA, người này cho rằng giao thông công cộng có thể là chiếc "chìa khóa" mở ra giải pháp giảm tải tắc đường tại nội đô. Người này viết: "Tập trung phát triển giao thông công cộng (đặc biệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt nội đô), kiên quyết giành lại vỉa hè cho người đi bộ, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm giao thông như đi ngược chiều, lấn làn... đi các bác ơi. Đường không thể mở rộng mãi, mật độ dân số ngày càng tăng, không giải quyết các vấn đề nêu trên để giảm số phương tiện cá nhân đi thì đường mở rộng gấp 10 lần bây giờ vẫn tắc".

Trăn trở về tính hiệu quả của dự án Vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Ngã Tư Sở - 2

Độc giả cho rằng, nút giao tiêu chuẩn 3.000 phương tiện/giờ lại gánh trên thực tế 8.000 phương tiện/giờ nên có cải tạo, nâng lưu lượng thiết kế gấp 2 lần thì vẫn quá tải (Ảnh: Hữu Nghị).

Đề xuất khả thi, nhưng đừng để đèn giao thông ngay điểm cuối lối ra

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác vẫn bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của Sở GTVT. Tuy nhiên, ngoài việc tập trung mở đường, cơ quan quản lý cần quy hoạch lại các hạ tầng liên quan nhằm phối, kết hợp tạo ra hiệu quả trong việc điều phối giao thông. Trong đó, đèn tín hiệu giao thông là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

"Làm tiếp Vành đai 2 nối với đường Võ Chí Công là rất khả thi, nhưng tôi có một ý kiến nhỏ, đó là hãy hạn chế tối đa việc đặt đèn tín hiệu giao thông ngay điểm cuối lối ra. Ví dụ hầm chui Trung Hòa - Lê Văn Lương, nếu làm xiên qua tận ngã tư Hoàng Minh Giám thì chắc chắn hiện tượng ùn tắc sẽ giảm nhiều.

Mọi người cứ để ý, vừa ngóc đầu lên khỏi hầm dính ngay cái đèn đỏ, vừa ra khỏi vành đai 2 và 3 thì cũng gặp đèn giao thông, không thể nào không ùn được", độc giả Linh Bùi nêu ý kiến.

Tương tự, chủ tài khoản Le Ha Tuyen viết: "Nghịch lý là đường càng to thì càng tắc khi nguyên lý nút cổ chai không được thực hiện đồng bộ. Nên sử dụng trí tuệ nhân tạo để lắp đặt, thiết kế đặt đèn giao thông thay cho máy móc hiện nay".

"Nên thuê 1 đơn vị tư vấn nghiên cứu và làm thiết kế một cách tổng thể, toàn diện thay vì các công trình rập khuôn và mang tính tủn mủn, tạm bợ như hiện nay. Ở nước ngoài, các nút giao thông của họ được làm rất nhiều và rất thoáng. Trong con số 8.500 tỷ đó, chúng ta chỉ cần bỏ ra khoảng 100 tỷ để thuê đơn vị tư vấn thiết kế thực sự có năng lực và chuyên môn. So với tổng giá trị dự án là không quá lớn, song con số này sẽ làm hiệu quả công trình tăng lên rất nhiều", anh Nguyễn Thành thẳng thắn đề cập.

Hoàng Diệu (tổng hợp)