Gia Lai:

Cụ bà 70 cắp sách đi học mỗi tối, ba học kỳ không vắng buổi nào

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Gác lại công việc nương rẫy, mỗi tối, bà con khắp các buôn làng ở Gia Lai í ới gọi nhau đến lớp học xóa mù chữ. Nhiều cụ già gần 70 tuổi hay anh em ruột cùng xin đến lớp để học biết cái chữ.

Cụ già gần 70 tuổi xin đi học chữ

Mặt trời vừa xuống núi, bà con đồng bào người Jrai làng Ia Lang (phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai) lại rộn ràng rủ nhau đến lớp học xóa mù chữ ở Trường tiểu học Ngô Quyền. Phụ nữ cõng theo con nhỏ, cụ già chống gậy theo sau, ai cũng nhanh chân đến lớp cho kịp giờ học.

Gia-lai_lop-hoc-xoa-mu-chu_Chi-Anhjpg

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mở hàng trăm lớp xóa mù chữ. Học viên tham gia đa số là phụ nữ, người lớn tuổi (Ảnh: Chí Anh).

Đã hơn 67 tuổi nhưng bà H'Chun (phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai) cũng theo con, cháu đến lớp xóa mù chữ trong làng. Vì đường gồ ghề nên bà H'Chun phải mò mẫm, rọi đèn đi từng bước chậm rãi.

Bà H'Chun chia sẻ, bà mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên không có điều kiện đến trường. Từ nhỏ, bà H'Chun đã ở trên nương rẫy. Lớn lên, bà lập gia đình nên không có điều kiện đi học. Vì không biết chữ nên mỗi khi có thư hay làm giấy tờ, bà mang đi khắp làng để nhờ đọc.

"Đầu tháng 10/2022, nghe có lớp xóa mù chữ nên tôi đã lên trường đăng ký xin học. Tuy nhiên, vì quá tuổi nên tôi không thuộc đối tượng được tham gia học. Biết tôi ham cái chữ nên nhà trường cũng tạo điều kiện cho vào học. Tôi mừng nên lúc nào cũng cố gắng đi học đầy đủ để sớm biết đọc, biết viết.", bà H'Chun bộc bạch.

Gia-lai_lop-hoc-xoa-mu-chu_Chi-Anh2.jpg

Dù đã gần 70 tuổi nhưng bà H'Chan vẫn xin đi học để biết cái chữ (Ảnh: Chí Anh).

Hơn một năm nay, bà H'Chan thường sắp xếp công việc nương rẫy để đến lớp. Trải qua 3 kỳ học, bà chưa nghỉ buổi nào.

Tương tự, bà H'Myơn cũng ngoài 60 tuổi. Mỗi ngày, bà đều đi bộ gần 4km đến lớp. Mắt bà H'Myơn đã kém, tay run nên để viết nét chữ tròn trịa cũng là một thách thức.

Bà H'Myơn bộc bạch: "Nhà có 5 người con mà chúng nó có gia đình hết rồi. Ở nhà, tôi cũng nhờ con dạy chữ nhưng công việc chúng bận rộn cả. May đến lớp, các cô giáo tâm huyết, dạy chữ, luyện đọc thì tôi mới hiểu. Tôi mong sớm biết đọc, viết thành thạo nhằm thuận tiện hơn trong cuộc sống hàng ngày".

Cô Dương Thị Kiếu, giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ tại Trường tiểu học Ngô Quyền, cho biết: "Khi mới mở, lớp có khoảng 32 người đăng ký học, độ tuổi từ 15 đến hơn 60 tuổi, đa số là phụ nữ. Gần 2 năm, học viên trong lớp cơ bản đã biết đọc, biết viết và các phép tính đơn giản. Dự kiến cuối tháng này, nhà trường sẽ kết thúc giai đoạn 1 chương trình dạy xóa mù chữ."

Gia-lai_lop-hoc-xoa-mu-chu_Chi-Anh4.jpg

Tuy hoàn cảnh còn khó khăn, nhiều việc nương rẫy, gia đình nhưng các học viên đều sắp xếp đến lớp đều đặn (Ảnh: Chí Anh).

"Tuổi của bà H'Chun đã lớn, không thuộc diện vận động đi học ở lớp xóa mù chữ. Nhưng vì bà năn nỉ xin đi học nên chúng tôi cũng tạo điều kiện. Trải qua 3 kỳ học, bà chưa vắng buổi nào.

Bà con trong lớp đa số đều không biết chữ và lớn tuổi nhưng chương trình dạy lại nhanh, số lượng kiến thức lớn. Chính vì vậy, giáo viên luôn phải nỗ lực, chịu khó để truyền đạt và hoàn thành yêu cầu khi mở lớp xóa mù chữ", cô Kiếu cho biết thêm.

Chị em ruột sáng đèn giúp nhau học

Tại Trường tiểu học Ngô Quyền có 2 lớp xóa mù dành cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Mỗi tuần, lớp sẽ có 3 buổi học, bắt đầu từ 18h đến 21h. Trong 2 lớp xóa mù chữ, rất nhiều trường hợp đặc biệt như là vợ chồng hay chị em ruột cùng nhau đi học.

Gia-lai_lop-hoc-xoa-mu-chu_Chi-Anh5.jpg

Lớp học xóa mù chữ tại trường tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) (Ảnh: Chí Anh).

Khi nghe tin Trường tiểu học Ngô Mây mở lớp xóa mù chữ, bà Siu H'Meh (SN 1966) rủ thêm 2 người em ruột là Siu H'mit (SN 1973) và Siu Jao (SN 1977) đi cùng. Tuy 3 chị em đều đã có gia đình, công việc nương rẫy bận rộn nhưng mọi người cũng sắp xếp để đều đặn đến lớp mỗi tối.

Bà Siu H'Meh tâm sự: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 3 chị em học hành không đến nơi đến chốn. Không biết chữ rất thiệt thòi, không những tự ti với xã hội mà còn khó khăn trong sinh hoạt và làm kinh tế.

Thấy có lớp, chúng tôi rủ nhau đi học. Ngoài việc biết chữ để đọc sách, đọc báo cũng là làm gương cho con cháu cố gắng học hành. Do tuổi lớn nên việc viết chữ không được đẹp, tiếp thu kiến thức chậm hơn đám trẻ. Tuy vậy, 3 chị em đều cố gắng học tập. Ngoài giờ trên lớp, chúng tôi cùng ngồi ở nhà để luyện chữ, luyện đọc".

Cô Ksor H'wang, giáo viên Trường tiểu học Ngô Mây, chia sẻ: "Đa phần bà con là người lớn tuổi nên khi dạy, giáo viên cũng chọn cách giảng dạy phù hợp. Ngoài việc sử dụng nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm đứng lớp, tôi còn tìm tòi, học hỏi  người đi trước, mạng xã hội. Điều phấn khởi là học viên trong lớp cũng ham học. Dù đang ngày mùa nhưng cũng ít người nghỉ học".

Gia-lai_lop-hoc-xoa-mu-chu_Chi-Anhj7.pg

Theo cô Ksor H'wang, việc giảng dạy ở các lớp xóa mù chữ gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian ngắn, lượng kiến thức nhiều. Đồng thời, bà con cũng lớn tuổi và nhút nhát trong giao tiếp (Ảnh: Chí Anh).

"Các lớp xóa mù vẫn còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, thiết bị dạy và học. Ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước, các giáo viên phải chủ động liên hệ xin sách, vở. Nhiều giáo viên còn tự bỏ tiền túi để mua tài liệu, bút viết", cô H'wang bộc bạch.

Ông Phạm Văn Đại, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia Grai, cho biết: "Trên địa bàn huyện đang triển khai trên 50 lớp xóa mù chữ với hơn 1.200 học viên là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi đã phân bổ kinh phí để mua sắm tài liệu, bút, sách vở cho học viên và giải quyết chế độ hỗ trợ cho giáo viên để họ yên tâm đứng lớp giảng dạy. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên đến thăm, động viên các học viên, giáo viên cố gắng học tập, hoàn thành chương trình".

Gia-lai_lop-hoc-xoa-mu-chu_Chi-Anh8.jpg

Các lớp xóa mù chữ vẫn còn khó khăn, thiếu thốn nên nhiều giáo viên phải bỏ tiền túi để mua sách giáo khoa, thiết bị dạy và học (Ảnh: Chí Anh).

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, năm 2022, công tác mở lớp xóa mù chữ được triển khai thực hiện ở huyện Krông Pa và TP Pleiku với 7 lớp, thu hút 168 học viên. Tính đến tháng 11 năm nay, đã thực hiện mở lớp xóa mù chữ ở 17/17 địa phương với 226 lớp, hơn 6.500 học viên.

Đại diện Phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, chia sẻ chương trình xóa mù chữ rất thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Gia Lai nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho bà con, từ đó thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống.