Học bổng 322: Có sự “nhập nhèm” từ những kì thi trước?

(Dân trí) - Sau khí báo Dân trí đăng tải bài viết <a href=" http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/8/137536.vip"> “Có hay không tiêu cực ở học bổng 322”</a>, thí sinh Đào Ngọc Báu đã có phản hồi nói về sự không minh bạch ở ban Đề án 322 trong việc đẩy anh ra khỏi danh sách trúng tuyển học bổng ở kì thi năm 2005.

Nội dung bức thư có đoạn: “Tôi đã từng là học sinh được đi học Thạc sĩ Luật theo diện học bổng 322 từ tháng 7/2003 đến tháng 7/2004 tại trường Đại học Tổng hợp New South Wales, Australia.

 

Tháng 5/2005, tôi có dự thi học bổng này với trình độ đăng ký đào tạo Tiến sĩ tại Hội đồng thi Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả thi của tôi là: Bảo vệ đề cương - 9,0; Luật Kinh tế - 9,0.

 

Với kết quả trên tôi đỗ thủ khoa chuyên ngành Luật Kinh tế. Xin nói thêm rằng, khi thi tuyển đi học trình độ Thạc sĩ ở nước ngoài năm 2002, tôi cũng là người đứng đầu trong kỳ thi năm đó ở Hội đồng tuyển sinh ngành luật với kết quả: Triết học - 9,0 và Lý luận Nhà nước và Pháp luật - 8,5”.

 

Để giải thích việc mình không trúng tuyển 322 thí sinh Đào Ngọc Báu đưa ra những dấu hiệu mà anh cho là “có vấn đề”:

 

Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cho Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 15 người đi đào tạo Tiến sĩ ở nước ngoài. Và kết quả Đại học Quốc gia đề nghị số lượng trúng tuyển cụ thể như sau: Đại học Khoa học tự nhiên - 8 chỉ tiêu; Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - 4 chỉ tiêu; Đại học Công nghệ - 1 chỉ tiêu; Khoa Luật - 2 chỉ tiêu.

 

Đến nay, tôi còn biết rằng tháng 3/2006 (tức là sau 10 tháng kể từ khi thi tuyển và sau 8 tháng kể từ khi công bố điểm thi), Bộ Giáo dục và Đào tạo có gọi thêm một thí sinh ngành luật khác trúng tuyển bổ sung. Như vậy, cuối cùng thì khoa Luật được 3 chỉ tiêu”.

 

Thông qua việc công bố công khai điểm thi tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi được biết Hội đồng Lý luận và lịch sử Nhà nước và Pháp luật có 4 thí sinh dự thi đào tạo ở nước ngoài, trong đó có 3 thí sinh chuyên ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật và 1 thí sinh chuyên ngành Hành chính học được gửi thi chung ở Hội đồng này. Tuy nhiên, thí sinh chuyên ngành Hành chính học thuộc về chỉ tiêu của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chứ không thuộc chỉ tiêu Khoa Luật”.

 

Theo thí sinh Đào Ngọc Báu thì:

 

Trường Đại học Quốc gia Hà Nội được chia thành 4 nhóm trường như đã trình bày ở trên cũng là nhằm mục đích cân đối giữa các ngành (năm 2005 ưu tiên khoa học tự nhiên nên chỉ tiêu cho trường Đại học Khoa học tự nhiên là 08 suất).

 

Riêng đối với khoa Luật, hoàn toàn không có ưu tiên cho ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật mà các ngành được coi là như nhau. Vậy tại sao lại không tách 5 chuyên ngành ra riêng biệt để đảm bảo cân đối giữa các ngành mà lại xét gộp vào như vậy? Rõ ràng việc xét gộp là không đảm bảo công bằng đối với một trường Đại học đa ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Mặt khác, nếu có chủ trương xét gộp như vậy thì phải thực hiện thống nhất trong toàn trường Đại học Quốc gia Hà Nội, theo đó sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu 15 người trong toàn trường để khỏi phải phân ra thành 04 nhóm như trên. Nếu thực hiện xét gộp cho toàn Đại học Quốc gia thì tôi vẫn thuộc nhóm 15 người có điểm cao nhất.

 

Giả sử rằng tôi đã từng được nhận học bổng 322 thì bây giờ sẽ không được ưu tiên trong xét tuyển. Tuy nhiên, việc đó sẽ chỉ đặt ra khi điểm thi của tôi bằng với điểm thi của một thí sinh khác. Khi đó, ưu tiên người chưa từng được nhận học bổng này là hợp lý. Nhưng trong trường hợp này, không có thí sinh đứng đầu một chuyên ngành nào có bằng điểm với tôi. Như vậy, vấn đề ưu tiên không được áp dụng ở đây”.

 

Những thắc mắc nói trên được thí sinh Đào Ngọc Báu trình bày trong đơn đề nghị xét lại đối tượng trúng tuyển gửi tới bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Đại học & Sau đại học và ông Trương Duy Phúc - Trưởng Ban điều hành Đề án 322, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đều không được trả lời.

                  

Uyển Châu