Học bổng 322: “Danh sách trúng tuyển đó chưa chính thức”!?

(Dân trí) - Về sự <a href=" http://www11.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/8/137718.vip"> “nhập nhèm”</a> trong danh sách của 201 thí sinh vừa trúng tuyển du học theo đề án 322 mà Dân trí đã phản ánh, Trưởng ban điều hành đề án đào tạo nước ngoài Trương Duy Phúc khẳng định: “Kết quả danh sách trúng tuyển học bổng 322 chưa phải là danh sách chính thức.

Ban đề án đào tạo nước ngoài (đề án 322) sẽ sàng lọc kiểm tra những trường hợp không đủ tiêu chuẩn trước khi có quyết định chính thức đối với các thí sinh được cử đi học đào tạo ở nước ngoài. Quá trình sàng lọc này sẽ được thực hiện trong vòng hai năm tới”.

 

Theo ông Trương Duy Phúc thì tại điều 2 và điều 3 của quyết định số 4257/QĐ-BGDĐT do thứ trưởng Trần Văn Nhung kí ngày 23/08/2006 có quy định: Các thí sinh có tên trong danh sách kèm theo phải thực hiện các thủ tục đăng kí khoá học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài theo quy định của Bộ GD- ĐT. Chỉ khi nhận được thư mời của cơ sở đào tạo nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các thí sinh mới được công nhận trúng tuyển và được làm thủ tục để nhận Quyết định cử đi học nước ngoài của Bộ GD-ĐT”.

 

Kết quả tuyển chọn này có giá trị hai năm tính từ ngày kí Quyết định đến ngày nhập học theo giấy tiếp nhận của trường đại học nước ngoài. Trong thời hạn 2 năm này, nếu các thí sinh trong danh sách kèm theo không thuộc diện đối tượng tuyển sinh nêu trong thông báo tuyển sinh 1113/TB-BGD&ĐT ngày 16/02/2006( vì các lí do như thuyên chuyển công tác, đơn vị công tác chuyển đổi cơ cấu...) thì kết quả xét tuyển của thí sinh đó sẽ bị huỷ bỏ”.

 

Ông Phúc khẳng định lại, dù đã công bố danh sách những thí sinh đã trúng tuyển này nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các thí sinh đã được công bố này đều chắc chắn được sang đào tạo ở nước ngoài.

 

Sự mâu thuẫn khó hiểu

 

Đối với trường hợp thí sinh Hà Thanh Bình, trường ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm thi TOEFL ngày 14/5/2006 là 537 điểm, nhưng, kết quả này trong danh sách trúng tuyển được công bố là 557, ông Phúc giải thích:

 

Thí sinh Bình đã có chứng chỉ TOEFLl quốc tế là 557 điểm và chứng chỉ này đã nộp lên Ban đề án, việc thí sinh này dự kì thi TOEFL nội bộ ngày 14/05/2006  là chỉ muốn nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. Cũng theo ông Phúc, kết quả thi ngày 14/5 này không hề có giá trị gì trong việc đạt hay không đạt điều kiện để trúng tuyển vì đó hoàn toàn chỉ là một kỳ thi mang tính chất nội bộ và chỉ để thí sinh có điều kiện kiểm tra thêm năng lực thực của mình.

 

Tuy nhiên, trong lá thư của thí sinh Hà Thanh Bình viết phản hồi về Dân trí thì thí sinh Bình đã khẳng định rất rõ rằng: “Tôi cũng được biết rõ nguyên tắc là nếu dự thi TOEFL nội bộ mà được điểm cao hơn điểm TOEFL mà tôi đã có thì tôi được sử dụng điểm mới thi, và ngược lại nếu điểm thi TOEFL nội bộ thấp hơn thì được quyền sử dụng điểm TOEFL quốc tế đã có, miễn là điểm đó còn trong thời gian có giá trị”.

 

Một vấn đề được đặt ra tại sao thí sinh Bình đã thừa đủ điểm TOEFL quốc tế theo tiêu chuẩn của Đề án nhưng vẫn muốn tiếp tục dự thi TOEFL nội bộ để hy vọng có số điểm cao hơn số điểm đã thi, trong khi về phía trưởng ban Đề án 322 khẳng định rằng kết quả kỳ thi này hoàn toàn không có giá trị gì?

 

Loanh quanh tìm lời giải đáp

 

Đối với 3 trường hợp thí sinh Lê Mai Đông, Triệu Hùng Trường, Nguyễn Thị Mai trúng tuyển đi Pháp - một nước thuộc diện không phải thi ngoại ngữ khi xét tuyển nhưng vẫn tham dự kì thi tiếng Anh nội bộ tổ chức ngày 14/05/2006 ông Phúc cho hay:

 

Việc đăng kí đi Pháp theo thông báo là không phải thi ngoại ngữ nhưng có nhiều thí sinh muốn kiểm tra trình độ tiếng Anh của mình nên đã đăng kí tham dự kì thi. Tức là những thí sinh này chỉ tham dự kỳ thi để tự kiểm tra lại trình độ của mình”.

 

Tuy nhiên, có một điều rất đáng lưu ý là trong hệ thống công bố điểm thi TOEFL của Viện IIE có phân chia rất rõ ràng rằng các thí sinh nào dự thi với mục đích dùng kết quả để xét tuyển học bổng 322 và các thí sinh nào dự thi chỉ để kiểm tra trình độ. Tuy nhiên, trong phần các thí sinh dự thi chỉ để kiểm tra trình độ (No test center indicated) lại không có tên của cả ba thí sinh này.

 

Tên của họ đều nằm trong phần dành cho những thí sinh có mục đích dùng kết quả để xét tuyển học bổng 322 và nếu dùng những kết quả này để xét tuyển thì họ đều không đạt yêu cầu. Và sau đó, cả 3 người đều trúng tuyển ở nguyện vọng đi Pháp là một nước không cần yêu cầu về kết quả thi ngoại ngữ! 

 

Ông Phúc đã cho rằng “chúng tôi không quan tâm đến cách quản lý của Viện IIE, chúng tôi chỉ dựa vào nguyện vọng của thí sinh để giải quyết”.

 

Đối với trường hợp của thí sinh Hoàng Châu Duy, ông Phúc khá bất ngờ và đã cho rằng lỗi đó thuộc về… người đánh máy vì đã vào nhầm điểm của thí sinh này trong danh sách trúng tuyển vì điểm thực tế của thí sinh Duy cao hơn số điểm 503 và người đánh máy đã vào nhầm!

 

Ông Phúc cũng cho biết, hiện các chuyên viên đề án 322 đều đi công tác ở TPHCM nên không thể trả lời cụ thể các vấn đề mà báo đã nêu. Tất cả những câu hỏi này sau khi các chuyên viên trả lời có văn bản kèm theo bằng đường công văn  trong thời gian sớm nhất.

 

Mai Minh - Trần Huy