Cô “thủ lĩnh độc tài” của nhóm tình nguyện Niềm tin

(Dân trí) - “Nữ thủ lĩnh áo đen”, “cáo”, “độc tài” là những biệt danh dành cho cô gái có bề dày thành tích hơn mười năm trong hoạt động tình nguyện - Ngô Thị Hồng Nhung, thủ lĩnh xuất sắc của nhóm tình nguyện Niềm tin.

Một bà chị đáng nể 

Một đôi mắt biết cười, thân thiện, dễ gần, gây ấn tượng mạnh bởi chất lãnh đạo là những điều đầu tiên mà người đối diện có thể cảm nhận về Hồng Nhung, cô bạn sinh năm 1982, cử nhân Viện Đại học Mở Hà Nội.

Từ cái nôi “Tình nguyện trẻ”, Hồng Nhung đã trưởng thành dần trong công tác tình nguyện. Và đam mê Rock chính là cơ duyên khiến hai cô gái chung ý tưởng là Hồng Nhung - Thu Hà thành lập một nhóm tình nguyện mới vào tháng 10/2003. Ngày đầu ra mắt nhóm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trên diễn đàn Bức Tường. Ban đầu nhóm có tên là “Những người bạn”, nhưng sau đó các thành viên có nguyện vọng đổi tên nhóm thành “Niềm tin cho cát bụi” và cuối cùng quyết định rút ngắn thành “Niềm tin”. Có lẽ chính niềm tin đã giúp nhóm hoạt động bền bỉ, dẻo dai đến vậy.

Cô “thủ lĩnh độc tài” của nhóm tình nguyện Niềm tin - 1
Hồng Nhung (bên trái) - cô gái có đôi mắt biết cười.

Công việc hiện tại của Nhung đòi hỏi phải làm cả thứ 7, chủ nhật nhưng Nhung sẵn sàng làm thêm giờ để được dành trọn ngày nghỉ cho hoạt động tình nguyện.

Hoàng Hoa Trung - thành viên của nhóm tình nguyện Niềm tin hào hứng kể về trưởng nhóm của mình: “Cáo, độc tài - đấy là cái tên mà chúng tôi trìu mến gọi chị hay nói là sợ thì cũng được. Gần gũi, thân thiện nhưng cũng rất “nóng” trong những lúc cần thiết. Không chỉ là trưởng nhóm, chị còn là một người chị gái thân thiết của chúng tôi. Những người đã gặp chị, đã làm việc cùng chị đều rất nể bà chị này”.

Để duy trì được nguồn nhân lực thường xuyên cho nhóm cũng là câu hỏi khó đối với tất cả các nhóm tình nguyện hiện nay. Và Hồng Nhung đã giải quyết vấn đề này bằng “nguyên tắc: Mỗi tình nguyện viên phải tìm được người kế cận mình, có thể thay thế mình để khi mình không thể tham gia tiếp vẫn có người duy trì nhóm. Đúng như lời Nhung thường đùa với mọi người là phải “chăn dắt” thành viên mới.

Tự nhận thấy điểm yếu của mình là chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm nên Nhung đề cao việc đào tạo kĩ năng ban đầu cho các bạn tình nguyện viên. Việc đào tạo kĩ năng cũng tạo sự gắn kết giữa các thành viên với nhau và truyền tình cảm của mình với đối tượng cho các thành viên mới.

Cô “thủ lĩnh độc tài” của nhóm tình nguyện Niềm tin - 2
Hồng Nhung được các thành viên trong nhóm đặt cho biệt hiệu “Nữ thủ lĩnh áo đen”.

Chữ Tâm chưa phải là đủ

Các hoạt động chính của nhóm Niềm tin hiện nay là dự án Thiệp nhân ái, dự án chiếu bóng lưu động, công việc quyên góp và tổ chức các sự kiện. Tất cả đều được phân chia rất khoa học. Đặc biệt dự án Thiệp nhân ái đã được nhận giải thưởng chương trình “Mầm nhân ái 2” do FPT phát động. Dự án này đã tạo việc làm cho rất nhiều các bạn nhỏ tại làng Hữu Nghị (Hà Nội). Tổng số thiệp dự án bán được cho tới hết tháng 12/2009 là hơn 520 thiệp khác nhau.

Không chỉ hoạt động tại làng Hữu Nghị, nhóm còn đi thăm và hoạt động tại một số tổ chức xã hội khác như: Trung tâm bảo trợ Xã hội 3, Trung tâm bảo trợ Xã hội 2, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Ngọc Sơn, Trung tâm nhân đạo Hoà Bình, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm Vì Ngày Mai... Nhóm đến thăm và vui chơi với các em nhỏ khuyết tật ở các trung tâm này và tổ chức các hoạt động giúp các em hòa đồng hơn và bớt mặc cảm trong cuộc sống.

Cô “thủ lĩnh độc tài” của nhóm tình nguyện Niềm tin - 3
Những bạn trẻ trong nhóm tình nguyện Niềm tin.

Với vai trò là thủ lĩnh nhóm, Hồng Nhung đánh giá cao việc các tình nguyện viên đến chơi cùng các em bé bất hạnh bởi đó là liệu pháp tâm lý tốt cho các em. Có em trước đây nói rất chậm lại rất nhát trước các anh chị nhưng sau đó các em gần như thay đổi hẳn: trò chuyện líu lo và nhanh nhẹn hơn. Tuy nhiên theo Nhung thì: “Chữ Tâm chưa phải là đủ, cũng đã đến lúc nhóm cần thực hiện nhiều hơn nữa những dự án tạo công ăn việc làm cho các em, cần những ý tưởng mới để hoạt động thiện nguyện đem lại ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Ước mơ của Nhung và nhóm Niềm tin là có thể xây dựng một trung tâm cho chính những người đồng tật tự quản lý. Tình nguyện viên chỉ là người hỗ trợ, giám sát để người đồng tật được thể hiện mình tự tin hơn.

Giải thưởng Chim én là sự ghi nhận đầu tiên

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong hoạt động tình nguyện, Nhung thể hiện rõ tư duy rành mạch, sắc nét trong các đề án tình nguyện. Giải thưởng Chim én 2009 là phần thưởng xứng đáng dành cho cô gái này. Giải thưởng cá nhân của Nhung và việc nhóm Niềm tin lọt vào top 20 đã khiến nhóm thực sự xúc động: “Chim én là Giải thưởng đầu tiên tôn vinh những cá nhân và tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác thiện nguyện. Sự tôn vinh của Chim én giúp cho nhóm hiểu rằng sự đóng góp của mình đã được cộng đồng và xã hội ghi nhận. Qua đó nhóm cũng nhận được nhiều sự trợ giúp hơn từ phía các nhà tài trợ để giúp sức cho cộng đồng”.

Tâm sự về mong muốn lớn nhất của mình, Nhung nói: “Tôi vẫn muốn duy trì nhóm là một hoạt động mở để mọi người có thể đến hoặc đi. Ai đó sau một thời gian đi xa cũng có thể quay lại với nhóm, hoặc chỉ đơn giản là thăm nhóm. Niềm tin là nơi gieo mầm sự hướng thiện cho các bạn để dù có đi đâu thì mọi người cũng có chất tình nguyện trong mình”.

Bài và ảnh: Phương Nhung